Thứ 3, 8/1/2008 9: 21: 15 A.M

Liên hệ:
Các công trình giao thông trọng điểm chạy đua tiến độ
Các công trình giao thông trọng điểm chạy đua tiến độ

Năm 2013 được dự báo gặp rất nhiều khó khăn, nhất là do các nguồn vốn hạn chế, nhiều dự án tiếp tục bị dừng, giãn, hoãn tiến độ, tình trạng nợ đọng kéo dài chưa thuyên giảm... Trong bối cảnh đó, hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm phải nỗ lực hoàn thành đúng tiến độ và đưa vào khai thác. Đó cũng chính là thách thức lớn nhất của ngành giao thông vận tải (GTVT) trong năm nay.

Chậm giải phóng mặt bằng

Nếu năm 2012 được coi là năm đặc biệt khó khăn về vốn đối với công tác xây dựng cơ bản do chính sách cắt giảm, thắt chặt đầu tư công dẫn đến hàng chục công trình, dự án của ngành GTVT đã phải dừng, giãn, hoãn tiến độ với số vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng thì năm 2013, những khó khăn đó hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Hầu hết các dự án dừng, giãn, hoãn tiến độ gần như vẫn sẽ “án binh bất động” và phải tiếp tục chờ đợi được cấp vốn sau 2015. Do nguồn vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ hạn chế nên số lượng các dự án, công trình khởi công, khánh thành mới giảm nhiều so với trước đây để tập trung ưu tiên vốn những công trình cấp bách và chuẩn bị hoàn thành. Vào thời điểm này, phần lớn các nhà thầu vẫn đang phải đối mặt với nỗi lo thiếu việc làm, suy giảm sản lượng và nợ lương, nợ bảo hiểm. Các chủ đầu tư, ban QLDA thiếu dự án, kết quả giải ngân thấp…

Không chỉ thiếu vốn, nhiều dự án giao thông tiếp tục gặp khó trong vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB). Không ít dự án trọng điểm được ưu tiên cấp đủ vốn để đẩy nhanh tiến độ nhưng kết cục vẫn đang bị ách tắc bởi công tác GPMB quá chậm trễ. Trong đó, có thể kể đến dự án QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên. Tuyến cao tốc này dự kiến sẽ thông xe gói thầu PK2 đoạn qua địa phận Thái Nguyên cuối tháng 6-2013, đoạn còn lại cũng phải thông xe cuối tháng 12-2013. Tuy nhiên, tiến độ dự án đang chậm do GPMB. Một ví dụ khác, dự án đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, sau 3 năm thi công, dự án mới đạt khoảng 70% khối lượng và không thể hoàn thành trong năm 2012 như dự định ban đầu. Tương tự, dự án tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hiện vẫn có những gói thầu chỉ đạt hơn 20%. Có những gói thầu đạt 45%...

Đặc biệt điển hình về chậm trễ GPMB là dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, được khởi công từ tháng 9-2009, nhưng đến thời điểm này, theo báo cáo của chủ đầu tư, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), chỉ mới xây lắp được 26,4% và giá trị giải ngân đạt 26,7% so với giá trị hợp đồng.

Riêng vấn đề GPMB, được tách thành các tiểu dự án chuyển cho các địa phương thực hiện, đại diện của Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Yên Bái đều cho biết còn nhiều điểm tồn đọng kéo dài trên công trường. Mới đây nhất, dự án cầu Nhật Tân, nối trung tâm Hà Nội với tuyến đường sân bay quốc tế Nội Bài, một dự án trọng điểm quốc gia cũng làm dư luận bất ngờ khi bị nhà thầu Nhật Tokyu đòi đền bù tới 200 tỷ đồng do chậm bàn giao mặt bằng sạch. Dự án này được xác định chậm tiến độ 2 năm.

Và những nỗ lực “lội ngược dòng”

Mặc dù đầy ắp khó khăn, song để đạt được các mục tiêu về quản lý tiến độ xây dựng, đảm bảo chất lượng công trình trong thời gian tới, khắc phục triệt để tình trạng chậm tiến độ, chất lượng công trình không đảm bảo, Bộ GTVT xác định chủ đề của năm 2013 là “Kỷ cương - Chất lượng - Tiến độ - Hiệu quả”. Trong đó, Bộ GTVT sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, đặc biệt sẽ nỗ lực đưa các dự án chậm tiến độ trong thời gian dài đi vào đúng quỹ đạo.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết: “Liên tục trong những ngày gần đây, lãnh đạo Bộ GTVT đã tăng cường kiểm tra hiện trường, trực tiếp làm việc với UBND các tỉnh, thành phố, với các chủ đầu tư, các nhà thầu, các nhà tài trợ, các đại sứ quán để giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Bộ cũng yêu cầu các chủ đầu tư, Ban QLDA công trình trọng điểm tập trung chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu nhà thầu huy động tối đa nguồn lực, thi công liên tục kể cả các ngày chủ nhật, lễ, tết để đảm bảo tiến độ dự án theo kế hoạch”.

Theo Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, bên cạnh việc tháo gỡ về mặt cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư, các nhà thầu thì chính các đơn vị này cần tự chấn chỉnh, nâng cao năng lực, tăng cường kỷ cương, trách nhiệm trong quản lý, điều hành, thực hiện dự án, xác định tiến độ và chất lượng công trình là yếu tố hàng đầu. Bộ trưởng cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải chủ động kiểm tra, kiểm soát, ngăn ngừa triệt để các yếu tố ảnh hưởng xấu đến tiến độ, chất lượng công trình, kiên quyết xử lý đối với cá nhân, tổ chức có vi phạm đồng thời chủ động, tích cực phối hợp với địa phương để kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án, đặc biệt là GPMB.

Mục tiêu cụ thể đặt ra, những tuyến cao tốc lớn sau nhiều lần trì hoãn tiến độ sẽ phải hoàn thành và đưa vào khai thác vào cuối năm 2013 là Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây... Hiện trên công trường của các dự án này, không khí lao động đang rất khẩn trương với số lượng nhân lực, máy móc thiết bị được huy động tối đa, các nhà thầu cũng cam kết sẽ thi công liên tục không nghỉ tết.

Theo Bộ GTVT, trong năm 2013, một số tuyến cao tốc khác có thể tiến hành khởi công xây dựng mới như: Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành, La Sơn - Túy Loan, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, các dự án mở rộng QL1, QL14…

Bích Quyên


Các công trình giao thông trọng điểm chạy đua tiến độ  (31/01)
TPHCM: Tiếp tục xây mới 12 cầu vượt  (30/01)
Xây cầu Thủ Thiêm 2 phải đồng bộ hệ thống metro  (18/12)
Đưa vào hoạt động trạm xử lý nước thải bệnh viện 500m³/ngày đêm  (17/12)
Cầu vượt Thủ Đức thông xe trước Tết  (11/12)
   
 
   Online :  3
   Total Online :  1322635